Trong thời gian từ năm 2010 – 2016, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 2 lần đến thăm và làm việc tại Bến Tre. Cả 2 lần đồng chí đều quan tâm, dành nhiều tình cảm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân quê hương Đồng khởi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Huyện ủy huyện Bình Đại tháng 4, năm 2010. Ảnh: Lư Nhường
Lần thứ nhất, trong 2 ngày 27 và 28-4-2010, khi đương chức Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm và làm việc tại Bến Tre. Cùng đi với đoàn có đồng chí Trần Đình Đàn – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đại diện các Ủy ban của Quốc hội. Khi ấy, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Be, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thái Xây, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Thanh Hà tiếp đoàn.
Trong chuyến đi này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (xã Thạnh Phước), làm việc với Đảng ủy, UBND xã Bình Thắng và Huyện ủy huyện Bình Đại; đến xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam thăm Nhà truyền thống Đồng Khởi, trồng cây lưu niệm, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh ở xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh Tây, Bình Khánh Đông, làm việc với Đảng ủy Định Thủy và Huyện ủy Mỏ Cày Nam, thăm Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc).
Lãnh đạo huyện Bình Đại và các em thiếu nhi chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lư Nhường
Đến thăm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (xã Thạnh Phước), thăm Cảng cá Bình Thắng và làm việc với Đảng ủy xã Bình Thắng và Huyện ủy huyện Bình Đại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã khen ngợi về cách làm sáng tạo, hiệu quả của mô hình sản xuất tôm ở Bến Tre. Ông nhận xét: Điều đáng biểu dương là Bến Tre đã năng động biến vùng đất hoang hóa này thành vùng nuôi trồng có hiệu quả. Đó là từ vùng đất hoang nhiễm mặn, sau đó đắp đê ngăn mặn để trồng lúa, nhưng vẫn không hiệu quả và bây giờ vùng đất này được cải tạo thành vùng nuôi tôm trên 400ha, đạt năng suất bình quân 7 tấn/ha. Riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre đang quản lý 750ha đất nuôi thủy sản, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, tạo thu nhập từ 2 – 10 triệu đồng/người/tháng là điều rất đáng biểu dương. Đồng thời, với quy trình nuôi khép kín từ sản xuất giống, nuôi, chế biến, xuất khẩu trực tiếp đến trên 30 nước đã giúp kiểm soát được nguồn giống, chất lượng sản phẩm phục vụ tốt cho xuất khẩu… là mô hình đáng được nhân rộng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng bức tranh lưu niệm cho Đảng ủy, UBND xã Bình Thắng. Ảnh: Lư Nhường
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian lắng nghe ý kiến của cử tri tại Bình Đại về vấn đề thiếu nước ngọt sinh hoạt, thiếu điện… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp đến đồng chí, đồng bào ở huyện Bình Đại nói chung và nhân dân Bình Thắng nói riêng. Chủ tịch Quốc hội vô cùng phấn khởi trước những đổi thay của một huyện vùng biển như Bình Đại. Trên đường về Bình Đại, nhiều cánh đồng làm ba vụ lúa và năng suất mỗi vụ đạt 4 – 5 tấn; vùng sình lầy sú vẹt đã hình thành nên mô hình nuôi thủy sản khép kín, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động; cảng cá mới đưa vào hoạt động rất nhộn nhịp; nhà cửa mới mọc lên nhiều…
“Tôi rất vui mừng về sự đổi mới của quê hương giàu truyền thống cách mạng như Bình Đại. Hầu hết các xã của huyện là thuần nông, điều kiện canh tác khó khăn, trong điều kiện kinh tế suy giảm, huyện đạt mức tăng trưởng kinh tế 12,45% là kết quả rất phấn khởi. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 11%…, chứng tỏ chúng ta có nhiều cố gắng trong sản xuất và chăm lo đời sống cho nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm nhân chuyến về thăm và làm việc tại xã Định Thủy, huện Mỏ Cày Nam, ngày 27-4-2010. Ảnh: Ngọc Thạch
Về công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý vì sao tỷ lệ đảng viên của Bình Đại còn thấp, chỉ 3.212 đảng viên so với trên 13 vạn dân. “Bình Đại là huyện có truyền thống cách mạng, có xã được hai lần tuyên dương anh hùng, xây dựng lớp đảng viên kế thừa là điều cần được quan tâm đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Đồng chí cũng ghi nhận các ý kiến cử tri và cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi, làm tốt chức trách của mình, đặc biệt quan tâm các vấn đề hối lộ, tiêu cực, tham nhũng… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng hiện nay là mỗi chúng ta phải đoàn kết, cùng chung tay dựng xây để đất nước ổn định, phồn vinh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện Bình Đại và các em thiếu nhi. Ảnh: Lư Nhường
Lần thứ hai khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm Bến Tre là vào năm 2016, ngay giữa cao điểm đợt hạn mặn khốc liệt đang bủa vây đồng bằng sông Cửu Long mà Bến Tre là một trong các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: M. Phương
Ngày 17-3-2016, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cán bộ Trung ương đã đến Bến Tre. Đón đoàn công tác khi ấy có Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong chuyến làm việc tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Quốc Hùng
Ngay trong buổi sáng 17-3-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và làm việc tại xã Hữu Định – một trong 22 xã, thị trấn của huyện Châu Thành đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình xâm nhập mặn đến bất ngờ, độ mặn cao, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu cũng như sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tổng Bí thư đến thăm và làm việc với UBND xã nông thôn mới Hữu Định, huyện Châu Thành. Ảnh: hTu Hiền
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Ảnh: Thu Hiền
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng bức tranh lưu niệm cho Đảng ủy xã Hữu Định. Ảnh: M. Phương
Thời điểm đó, độ mặn cao đột ngột, xuất hiện sớm và sâu, nguồn nước máy cung cấp cho sinh hoạt trên địa bàn huyện Châu Thành bị nhiễm mặn cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhiều hộ dân của Châu Thành, trong đó có xã Hữu Định không đủ điều kiện để trang bị dụng cụ chứa nước ngọt bảo đảm sinh hoạt cho gia đình trong điều kiện hạn mặn. Đặc biệt là các hộ sử dụng nước máy, đa số không trữ nước ngọt, nên bị khó khăn nhiều hơn khi nước máy bị mặn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ UBND xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Ảnh: Thu Hiền
Lắng nghe tình hình địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của bà con nhân dân. Tổng Bí thư hoan nghênh huyện và xã đã tập trung sức chống hạn, xâm nhập mặn, lo nước ngọt cho dân, cứu những diện tích lúa, cây màu bị hạn và lưu ý huyện và xã không chủ quan, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, động viên bà con nhân dân chia sẻ nguồn nước, hỗ trợ nhau trong sản xuất, sinh hoạt, hạn chế tối đa những thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn gây ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thị sát tình hình xâm nhập mặn tại xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Tại cánh đồng lúa Tân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng bà con nhân dân và cán bộ địa phương chứng kiến ruộng lúa đang độ ngậm sữa, trổ bông nhưng đã chết vì nước mặn xâm nhập quá sâu trong nội đồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thị sát tại cánh đồng lúa bị ảnh hưởng hạn mặn xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Thu Hiền
Tổng Bí thư hỏi thăm các hộ dân xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm có lúa bị thiệt hại trong đợt thiên tai hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016. Ảnh: M. Phương
Tổng Bí thư ân cần động viên bà con đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ thiên tai, biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét, nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Bến Tre, trong đó có huyện Giồng Trôm và nhiều huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Trung ương luôn sát cánh cùng tỉnh, huyện và xã trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm các giải pháp đồng bộ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của bà con. Tổng Bí thư đề nghị lãnh đạo Bến Tre, huyện Giồng Trôm tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn, giúp bà con nhân dân ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Về lâu dài, Bến Tre cần có quy hoạch tổng thể, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, từ đó có giải pháp thích hợp để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: Quốc Hùng
Đối với Đảng bộ tỉnh Bến Tre khi ấy vừa tổ chức thành công Đại hội X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự thành công tốt đẹp của Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Trong đó Đảng bộ đã nhận định đúng tình hình, sát thực tế và đề ra phương hướng sát hợp, giải pháp cụ thể. Nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng một cách kiên quyết và kiên trì. Đảng bộ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần củng cố đội ngũ cán bộ và lòng tin của nhân dân vào Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đến thăm nhà máy chế biến sữa dừa ở Cụm công nghiệp Phong Nẫm, Giồng Trôm. Ảnh: Thu Hiền
Cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, với tầm nhìn, tư duy mới, không cam chịu, vươn lên mạnh mẽ. Về phát triển kinh tế – xã hội, kịp thời rà soát, bổ sung quy hoạch sát hợp, hiệu quả với tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển lĩnh vực kinh tế vườn và kinh tế biển theo hướng phát huy thế mạnh của vùng. Đồng thời tập trung phát triển sản xuất, nhất là trong việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, các thủ tục cải cách hành chính, chính sách thu hút đầu tư.